Một số bệnh nhân dường như chấp nhận kết quả dễ dàng. Khi ấy tôi đều lặng im quan sát và chờ cho những cái nhíu mày hay nhăn trán, gục đầu và nuốt nghẹn qua đi. Tôi chờ họ nhìn vào mình và hỏi “Vậy bây giờ em phải làm gì?”. Câu hỏi ấy là một tín hiệu tốt, có như vậy, chúng tôi, những người chăm sóc và điều trị, mới có cơ hội hỗ trợ một cách hiệu quả.
Vài người khác vỡ òa trong cảm xúc hối hận khi thấy bóng mây đen phủ lên cả hiện tại và tương lai. Nhiều thanh niên lực lưỡng cũng òa khóc. Những giọt nước mắt ấy vẫn là tín hiệu tốt, bởi sẽ giúp họ phần nào trút bớt những suy nghĩ tiêu cực. Tôi đưa cho họ tờ khăn giấy, âm thầm chờ họ khóc hết cho vơi nỗi uất nghẹn trong lòng mới nhẹ nhàng an ủi: “Khóc cho hết đi anh. Sau đó hãy mạnh mẽ lên vì còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ phía trước”.
Sợ nhất là những bệnh nhân im lặng, rũ rượi, tuyệt vọng, ánh mắt vô hồn như thể cả đất trời đã tan biến. Khi ấy chúng tôi rất sợ. Một đồng nghiệp của tôi ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kể, chị từng gặp một bệnh nhân mặt tỉnh bơ khi nhận kết quả dương tính với HIV rồi bất ngờ bước ra khỏi phòng tham vấn, chạy lên cầu bộ hành và nhảy xuống giữa đường.
Ngày nay những thông tin về HIV đã có phần “sáng sủa” hơn. Thành công của chương trình điều trị đã giảm bớt phần nào gánh nặng cho chúng tôi khi tư vấn cho bệnh nhân. Tuy vậy, những rào cản từ xã hội, mối lo ngại bị tiết lộ thông tin hay bị mất việc vẫn khiến họ quay quắt.
Một bệnh nhân tên Linh, 26 tuổi, tâm sự: “Em không sợ bệnh vì biết bệnh này bây giờ có thuốc uống nên không chết, nhưng sợ bị mất việc. Em cũng không muốn phải làm khổ ba mẹ em nếu vừa bị bệnh vừa thất nghiệp”.
Luật pháp quy định không được tự ý cho thôi việc người có H, song nếu sự kỳ thị còn hiện hữu thì khó tránh kết quả sau cùng là người đó sẽ phải mất việc. Có trường hợp bị o ép không chịu nổi lời ra tiếng vào. Trường hợp chị Thu, người chuyển giới phụ bán cơm tại một quán nhỏ, tình cờ bị bộc lộ thông tin, chủ quán không tác động gì nhưng khách hàng đến quán cứ thưa dần, có hôm không có ai ghé. Chị đành âm thầm nghỉ việc.
Chúng tôi chỉ được phép trả kết quả khẳng định cho khách hàng khi đã thực hiện đủ bộ ba xét nghiệm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Theo quy trình, đa số các phòng xét nghiệm chỉ thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh. Nếu âm tính, kết quả sẽ được trả ngay cho chủ nhân của nó trong một đến hai giờ. Nếu là dương tính, họ sẽ được hẹn quay lại lấy kết quả sau vài ngày đến một tuần. Lúc này mẫu máu sẽ phải chuyển gửi sang cơ sở y tế chuyên biệt có chức năng chẩn đoán bằng bộ xét nghiệm khẳng định.
Trong tình huống ấy, bác sĩ thông báo kết quả dương tính là không đúng vì chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, mà thông báo âm tính lại càng sai. Ở một số nơi, nhân viên tư vấn đành chọn cách nói mập mờ “Anh phải quay lại lấy kết quả vào tuần sau vì cần kiểm tra kỹ hơn”.
Khi ấy tâm trạng của đa số khách hàng là nghi ngờ, suy sụp và bối rối. Anh Tình, 25 tuổi, khi được báo là cần chờ kết quả sau, hốt hoảng hỏi tôi: “Sao bạn em đi cùng thì nhận kết quả liền trong ngày, còn em phải chờ tuần sau. Em nghe lỏm mấy chị y tá vừa nói vừa lắc đầu là nguy cơ nhiễm cao. Em lo lắm”. Sau khi được tôi trấn an rằng xét nghiệm sàng lọc giống như kiểu “thà giết lầm chứ không bỏ sót”, khả năng âm tính trên xét nghiệm khẳng định vẫn là 50/50, anh mới tạm yên tâm.
Thực tế, xét nghiệm sàng lọc thế hệ mới có độ nhạy và đặc hiệu rất cao, xác suất sai là thấp. Tuy nhiên trước khi có kết quả khẳng định vẫn chưa thể nhận định điều gì. Để tránh những phản ứng thái quá xuất hiện trong giai đoạn “lơ lửng” này, đôi khi cho người ta đôi chút hy vọng vẫn hơn là vắt kiệt họ.
Trong thời đại y học bằng chứng hiện nay, việc cung cấp thông tin chuẩn xác cho dù tốt hay xấu vẫn nên làm. Tôi thường trao đổi thẳng thắn với họ về kết quả xét nghiệm đang có trong tay cũng như lý do phải chờ thêm xét nghiệm khẳng định từ cơ sở y tế chuyên biệt.
Một phản ứng khác là “khỏi cần nghi ngờ nữa, em chắc bị rồi”. Thế rồi họ không thèm đến lấy kết quả khẳng định theo lịch hẹn. Trao đổi qua điện thoại, tôi khẩn khoản xin họ quay lại lấy kết quả vì về nguyên tắc không được thông báo kết quả qua điện thoại. Trong vài ca như vậy, có người dương tính thực sự nhưng cũng có trường hợp kết quả khẳng định âm tính.
Điều lo ngại lớn nhất của những tham vấn viên trong tình huống này là phản ứng tiêu cực của khác hàng "chán đời", quan hệ tình dục không bảo vệ để tìm quên hay trả thù đời. Các thái độ tiêu cực như vậy dễ khiến chính bản thân người bệnh gặp thêm vấn đề về sức khỏe. Một số trường hợp “tưởng dương tính, hóa ra không phải” sẽ chuyển thành dương tính thực sự do không kiểm soát hành vi.
Lời khuyên của tôi khi đó luôn là: Hãy bình tĩnh trước khi có kết quả khẳng định từ một cơ sở y tế uy tín. Mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở “có khả năng” mà thôi. Dù âm hay dương tính, ý nghĩa của xét nghiệm không chỉ cho biết tình trạng huyết thanh mà còn là cho họ một cơ hội nhìn lại bản thân, thức tỉnh và thay đổi hành vi nguy cơ, xây dựng cho mình một thái độ đúng, một con đường đúng.