08.28.98.08.08
  • NGỪA HIV KHẨN CẤP: Nếu bạn Quan hệ tình dục không an toàn sợ lây nhiễm HIV hãy liên hệ Bác sĩ Bình tư vấn xử trí phơi nhiễm HIV khẩn cấp trước 72 giờ (PEP) kể từ khi xảy ra nguy cơ có thể lây nhiễm; Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc đăng ký điều trị HIV bằng thuốc ARV tự túc, bảo mật thông tin. Liên hệ Hotline 0828980808 - Bác sĩ Bình: từ 7h00 đến 22h00 mỗi ngày kể cả Ngày Lễ, Thứ 7, Chủ Nhật.

Phó giáo sư.Tiến sĩ.BS.Cao Ngọc Nga tư vấn VGSV

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Bác sĩ Bình

Chuyên khoa Truyền nhiễm - Hơn 23 năm công tác HIV
Ban Quản Trị
Phòng Khám Viễn Đông & Lab Viễn Đông: 361/4 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6, TP.HCM
Em năm nay 36 tuổi, em đang dùng thuốc kháng vi rút viêm gan B. Tình trạng hiện đã ổn định, trong thời gian dùng thuốc em có mang thai được không?
Hoàng Anh - hoanganhdvtubk (STT-39)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Trước khi quyết định mang thai trong thời gian điều trị viêm gan B, bạn cần suy nghĩ kỹ và tham khảo ý kiến với bác sĩ chuyên khoa gan vì nếu lúc mang thai, nồng độ vi rút cao, men gan cao có thể nguy hiểm đến bạn và khả năng lây truyền cho em bé cao.

Tôi nghe nói xơ gan thường là bệnh của những người uống rượu bia, thuốc lá nhiều. Cô tôi ăn uống lành mạnh, không rượu bia sao vẫn bị bệnh này. Và xin BS vui lòng cho biết chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gan và cách phòng ngừa bệnh này.
Thủy Ngọc - ngocthuyhuyen (STT-38)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Rượu bia, thuốc, hóa chất, viêm gan B, C, viêm gan tự miễn... đều có thể dẫn đến xơ gan. Bệnh của cô bạn có thể nằm trong những nguyên nhân này. Bạn không cho biết tình trạng gan của cô bạn ở mức độ nào nên khó hướng dẫn. Nói chung, không có chống chỉ định tuyệt đối thức ăn nào đối với người bị bệnh gan.

Thưa Bác sĩ, em đang mang thai và phát hiện bị viêm gan B mãn tính, do mang thai nên bác sĩ không chỉ định uống thuốc. Bác sĩ khoa sản nói sau khi sinh bé sẽ được tiêm 2 mũi và mẹ cũng được tiêm để cho con bú.Chồng em cũng đã làm xét nghiệm nhưng không bị nhiễm và bác sĩ bảo anh ấy không cần phải chích ngừa. Bác sĩ cho em hỏi, khi đã bị nhiễm viêm gan B thì có khỏi bệnh được không? Hiện em đang mang thai thì có cần phải xét nghiệm xem gan đang bị ảnh hưởng thế nào không? Hay để sau khi sinh mới tái khám để điều trị? Đối với chồng em thì có kháng thể rồi nên không cần phải chích ngừa nữa phải không? Và sau này nếu chúng em "quan hệ" thì có cần phải sử dụng biện pháp gì không?
Đoàn Thị Thùy Nga - doanthuynga (STT-37)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Trường hợp này em cần phải được tư vấn kỹ, do đó nên gặp trực tiếp bác sĩ chuyên về gan ( bác sĩ bộ môn Nhiễm của đại học y dược TP.HCM)
Con em năm nay 8 tuổi, khi sanh em có chích cho cháu đủ 3 mũi viên gan B. Sau hơn một năm em cho cháu đi kiểm tra kháng thể, BS nói cơ thể cháu chưa có kháng thể nên cho cháu đi chích lại. Em đã cho cháu đi chích lại đủ 3 mũi. Sau 6 tháng em đi kiểm tra lại kháng thể cho con thì cháu có kháng thể. Nhưng tháng 10/2013 em cho cháu đi xét nghiệm lại thì có kháng thể nhưng rất ít. Xin BS cho biết, trường hợp của con em có cần phải đi kiểm tra lại không? Em cho cháu đi xét nghiệm như vậy có tốt không? Vì trong gia đình có bố bị nhiễm viêm gan B nên em rất lo lắng cho cháu.
Nguyễn Quân - quanmygiap (STT-36)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Sau khi chích ngừa viêm gan B, kháng thể antiHBs từ 10 đơn vị trở lên thì được xem là chích ngừa có hiệu quả. Sau khi chích ngừa được 18 tháng kháng thể chỉ cón lại có 1/3 so với ban đầu. Trường hợp con của bạn kháng thể còn rất ít sau chích ngừa có thể do lúc mới chích, nồng độ kháng thể trong máu của con bạn thấp. Nếu cẩn thận, bạn có thể cho cháu đi chích lại một mũi.


Em đi xét nghiệm, BS kết luận có kháng thể viêm gan B. Vậy có sao không , thưa BS? Em phải làm sao? Người yêu của em liệu có bị ảnh hưởng?
Nguyễn Thị Hằng - hangnt (STT-35)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Đã có bị viêm gan là "có sao" rồi. Em nên đến các cơ sở chuyên điều trị viêm gan để được tư vấn thêm. Người yêu của em nên đi thử máu xem có viêm gan hay không, nếu không viêm gan thì phải chích ngừa, trong thời gian chưa chích ngừa nên quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su).

Tôi đã điều trị bệnh viêm gan C tại Bệnh viên Y dược học TP.HCM bằng thuốc tiêm và uống. Sau khi khỏi bệnh tôi cũng tái khám theo đúng lịch trong 5 năm liên tục và kết quả luôn âm tính.Năm nay chưa tới lịch tái khám, nhưng qua khám định kỳ của cơ quan kết quả lại dương tính với viêm gan C. Xin hỏi, tôi phải điều trị tiêm thuốc như đợt đầu không (tiêm 6 tháng vì type2), nếu tôi không tiêm thì thời gian gan tiến triển xơ gan và ung thư gan là bao lâu?
Thu Sương - thusuongpham (STT-34)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bạn không cho biết rõ dương tính lại với viêm gan C bằng xét nghiệm nào. Có thể bạn chỉ được xét nghiệm antiHCV, xét nghiệm này dương tính là đương nhiên vì đây là xét nghiệm tìm kháng thể chống viêm gan C, kháng thể này có thể tồn tại rất lâu sau khi bệnh đã được điều trị khỏi. Bạn đừng hoang mang, hãy đến gặp bác sĩ của bạn.

Hiện nay có nhiều bệnh viện có khoa gan mật, vậy nơi nào điều trị có hiệu quả? Có nên đi theo 1 bác sĩ để điều trị.
Thanh Thi - sunflower (STT-33)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan là bệnh thuộc chuyên khoa sâu, vì vậy bạn nên chọn một bác sĩ để được thường xuyên theo dõi trực tiếp.

Vợ tôi nhiễm viêm gan siêu vi B lúc mang thai 7 tháng (2009), BS nói vợ tôi là người lành mang mầm bệnh nên không cần điều trị. Con tôi khi sinh ra đươc chích 1 mũi Hebabig 1mg,1 tháng sau được chích thêm 1 mũi hebabig nữa và chủng ngừa viêm gan B theo chương trình quốc gia. Lúc con tôi được 5 tuổi, tôi đưa con đi xét nghiệm kháng thể viêm gan B nhưng không có và cũng không nhiễm viêm gan B. Vậy tôi có cần phải chích ngừa lại cho con tôi? Vợ tôi xét nghiệm máu 1 năm lần để theo dõi, kết quả các chỉ số về gan có cao hơn bình thường khoảng 10 - 20 đơn vị, vợ tôi tầm soát như vậy để theo dõi bệnh có được không?
Chuẩn - thanhchuan1107 (STT-32)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Có hai vấn đề trong câu hỏi này.
1/ Con bạn đã được xử lý rất tốt lúc sinh. Hiện tại cháu không có kháng thể chống viêm gan B, bạn nên cho cháu đi chích ngừa lại. Nếu sau khi chích vẫn không có kháng thể thì nên cho cháu thử lại HBsAg xem có phải bị lây từ mẹ hay không.
2/ Bạn không cho biết rõ chỉ số gì nên khó giải thích. Tốt nhất nên có sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ chuyên về gan.

Thưa bác sĩ, tôi đang điều trị viêm gan B. Ngoài uống thuốc, tôi còn thường uống các loại nước mát, nước đắng để tốt cho gan. Nhiều người nói ăn, uống đồ mát nhiều quá cũng sẽ làm hại gan, xin hỏi bác sĩ có đúng không?
Nguyễn Phương Minh - nguyenminh.nld (STT-31)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông dược đều có ưu và khuyết điểm. Ưu điểm là giúp gan hồi phục tốt nhưng nó có thể làm tổn thương gan do đây là những thảo dược có nhiều chất khác nhau.

6 tháng trước tôi ăn uống khó tiêu nên đi thử máu, bác sĩ nói tôi bị viêm gan B. Từ đó đến nay tôi vẫn uống thuốc đều đặn, thấy sức khỏe đã tốt trở lại. Tôi nghe nói viêm gan B mãn tính có thể chuyển thành ung thư, xin hỏi bác sĩ trường hợp của tôi có điều trị dứt hẳn bệnh không, hay phải uống thuốc suốt đời?
Đỗ Thị Anh Thư - jendaminh (STT-30)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Chỉ định điều trị viêm gan B mãn tính phải đủ tiêu chuẩn và khi ngưng thuốc cũng phải có tiêu chuẩn. Đối với trường hợp của bạn, uống lâu dài hay ngưng thuốc cũng tùy thuộc vào diễn tiến bệnh của bạn.

Tôi hay bị nổi mẩn ngứa, mỗi đợt ngứa như thế kéo dài vài tháng nên phải thường xuyên uống thuốc chống dị ứng. Nhiều người nói là do gan tôi yếu nên hay bị như thế, xin hỏi bác sĩ có đúng không, và về lâu dài uống thuốc chống dị ứng có hại không?
Trần Thị Lệ Nga - sunrise.nguyen091 (STT-29)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Mẩn ngứa không có liên quan đến gan yếu. Có lẽ bạn đang bị bệnh da nên cần đến chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn.

Tôi nghe nói uống rượu nhiều mới dẫn đến bệnh viêm gan. Tôi không uống rượu, ăn uống điều độ sao vẫn bị viêm gan. Ba tôi ngày trước chết vì xơ gan, bệnh này có phải là di truyền?
Nguyễn Tấn Định - thuatnguyen23 (STT-28)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Uống nhiều rượu mới dẫn đến viêm gan nhưng có nhiều nguyên nhân khác cũng gây viêm gan như: viêm gan B, C, viêm gan nhiễm độc, hóa chất, viêm gan tự nhiễm. ..Không biết anh bị loại viêm gan nào nên khó giải thích.
Viêm gan tự miễn có thể di truyền, các loại viêm gan khác không di truyền.

Tôi vẫn thường kiểm tra sức khỏe tổng quát 2 lần/năm, kết quả lần nào BS cũng cho biết men gan tôi cao. Vậy xin BS cho biết tình trạng men gan cao có phải là một dạng viêm gan? Tôi không bị các bệnh viêm gan siêu vi, không uống rượu bia, thuốc lá ... như vậy với tình trạng hiện nay, tôi có khả năng bị ung thư gan hay không?
Khánh Lâm - thu.swanlake (STT-27)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Có nhiều nguyên nhân gây tăng men gan như: viêm gan vi rút, viêm gan nhiễm độc. Trong viêm gan nhiễm độc ngoài rượu bia còn có thể do thuốc, các loại hóa chất, rối loạn mỡ trong máu... Bạn nên đến bác sĩ chuyên về gan để được tư vấn và tìm nguyên nhân.

Xin chào bác sĩ! Bệnh viêm gan B có điều trị hết không? Điều trị trong bao lâu? Những biểu hiện nhận biết người bị viêm gan B?
Vấn Vương - vuong86 (STT-26)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan B được phát hiện bằng xét nghiệm tìm kháng nguyên HBsAg.
Viêm gan B cấp ở trẻ lớn và người lớn 90%-95% tự khỏi, không cần điều trị.
Viêm gan B mãn tính dù có điều trị hay không điều trị cũng chỉ khỏi 1 đến 2% (hàng năm). Tuy nhiên nếu có điều trị thì tỷ lệ xơ gan và ung thư gan sẽ giảm rõ rệt. Hiện nay, có tin vui là có một loại thuốc điều hòa miễn dịch (interferon có thể giúp cho bệnh nhân hết bệnh).

Chồng em 42 tuổi, bị viêm gan B 20 năm nay, cứ 3 tháng BS hẹn khám và xét nghiệm một lần (Trung tâm Hòa Hảo), uống thuốc đều. Từ cuối 2012 đến nay, chồng em có dùng thêm thực phẩm chức năng cà gai leo (của Công ty Tuệ Linh), sau một thời gian đi xét nghiệm thấy âm tính vi rút. Cho đến nay vẫn vậy, nhưng một số kết quả trong xét nghiệm vẫn dương tính. Vậy xin BS cho biết trường hợp của chồng em có thể khỏi bệnh không? Ngoài dùng thuốc em cũng thường nấu nước lá cây *** đẻ răng cưa cho chồng em uống.
Hoàng Thị Huyền - huyendungnu (STT-25)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan B là một bệnh rất phổ biến ở Việt Nam (khoảng 8% dân số bị viêm gan B). Đây là một bệnh rất khó điều trị nếu đã ở giai đoạn mãn tính. Tuy nhiên, để giảm thiểu biến chứng giúp người bệnh sống vui sống có chất lượng, người bệnh cần phải tuân thủ theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn đừng lo lắng nhiều bởi vì bạn lo lắng, chồng bạn sẽ lo lắng theo, ảnh hưởng đến sức khỏe anh ấy.

Tôi năm nay 54t. Cách nay gần 2 năm tôi hay bị ngứa dưới lòng bàn chân, đôi khi lại bị nổi mẩn như bị muỗi cắn, khoảng 30 phút đến 1g thì lặn, ngày bị 1-2 lần. BV da liễu có cho thuốc: Heposal 2v/ngày; Ebastine 1v/ngày. Hiện nay khi bị lại, tôi dùng toa cũ thì thấy ổn, không bị ngứa nữa. Xin hỏi, BS da liễu cho uống Heposal liệu gan tôi có vấn đề gì không? (tôi không rượu bia và thuốc lá, cà phê cũng không).
nguyễn hoàng NHơn - [email protected] (STT-24)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Theo tôi được biết, các thuốc mà BS da liễu cho bạn uống không làm tổn thương gan. Tuy nhiên, nếu cẩn thận bạn có thể đề nghị bác sĩ thử chức năng gan.

Em có thai năm 2009. Thời gian đi khám thai được BS thông báo là bị Viêm gan B. Sau khi sinh bé (tháng 11/2009)đến nay, em cũng không đi khám lại. Em muốn hỏi, làm thế nào em có thể biết được bệnh có đang phát triển không? Bé nhà em ngay khi sinh ra đã được tiêm vacxin viêm gan B và tiêm đúng thời gian yêu cầu của bác sĩ. Vậy, bé có bị mắc bệnh như em không? Nói thêm là bé chỉ bú mẹ 1 tuần sau sinh và không chịu bú nữa (dù có vắt sữa ra bình). Cảm ơn bác sĩ.
HOÀNG LINH - duongmeister (STT-23)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Em không đi khám như vậy là không đúng. Viêm gan B là một bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm mà những biến chứng này có thể được phát hiện rất muộn, do đó em cần phải khám định kỳ để biết bệnh đang ở giai đoạn nào.
Con em được chích ngừa viêm gan B ngay sau sinh như vậy là rất tốt. Để xác định xem bé có bị lây bệnh của mẹ hay không, em có thể đưa con em đi xét nghiệm: HBsAg và AntiHBs. Nếu bé có antiHBs dương tính thì coi như bé đã có miễn dịch với thuốc ngừa viêm gan hay bé không bị lây bệnh từ em.

Chồng tôi 42 tuổi, gan siêu vi B, nhiễm mỡ. Anh không uống thuốc tây đều. Xin hỏi, có cách trị dân gian nào, hay có loại thuốc nào để giảm bệnh không? Xin cám ơn BS Cao Ngoc Nga.
Vũ Hạnh - minhhanhvu (STT-22)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Nếu chồng chị bị viêm gan B mãn tính (mang mầm bệnh từ 6 tháng trở lên) thì phải được theo dõi định kỳ. Khi có chỉ định điều trị thì mới được điều trị đặc hiệu. Khi đã được điều trị đặc hiệu thì người bệnh phải tuân thủ: uống thuốc liên tục, chỉ ngừng khi có đầy đủ các tiêu chí để ngưng thuốc. Nếu tự ý ngưng, có thể nguy hiểm nếu bệnh bùng phát trở lại.

Em gái của em mang thai được 5 tháng. Khi mới có thai, đi kiểm tra thì được chẩn đoán bị nhiễm vi rút viêm gan B. Vậy vi rút này có gây hại gì cho thai nhi không, thưa BS? Cách giải quyết trong trường hợp này như thế nào? BS sản khoa tư vấn là sau khi sinh em bé sẽ được tiêm phòng (giống với trường hợp tiêm phòng viên gan B ở những bé bình thường). Nhưng liệu vi rút viêm gan có lây nhiễm sang thai nhi không? Sau khi sinh, có thể điều trị viêm gan trong giai đoạn cho con bú không? Xin cảm ơn BS!
Hồng Xuân - trieuhongxuan (STT-21)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Lây truyền viêm gan B theo đường mẹ - con là cách lây truyền rất phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, người mẹ khi mang thai nếu có viêm gan B thì vào tháng thứ 7, 8 phải được xét nghiệm xem vi rút trong máu có cao hay không. Nếu vi rút không cao thì chỉ cần chích ngừa viêm gan B cho em bé trong vòng 12 giờ sau sinh. Nếu vi rút cao thì người mẹ phải được cho uống thuốc trước khi sinh và em bé nên được tiêm một liều thuốc ngừa có tác dụng ngay để bảo vệ em bé.
Sau khi sinh, người mẹ có thể uống thuốc điều trị viêm gan B nếu có chỉ định.

Xin BS cho biết cách nào để bảo vệ gan và giúp gan khỏe mạnh, không bị bệnh?
Ngọc - minhngocho (STT-20)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Gan là một cơ quan đóng vai trò rất quan trọng của cơ thể. Gan tổng hợp, chuyển hóa, bài tiết rất nhiều chất giúp cơ thể tồn tại và khỏe mạnh, do đó dễ bị tổn thương nếu chúng ta không chú ý bảo vệ gan.
Sống lành mạnh, không để cơ thể bị bệnh là gan đã được bảo vệ.

Má tôi ăn vào hay ói, có cảm giác bụng lình sình, mất ngủ. Đi khám ở BV tỉnh thì BS bảo là gan thô. Xin hỏi BS đây là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Có điều trị hết không và trường hợp của má tôi ăn uống có cần kiêng cữ gì không?
Thùy Dung - thuydung (STT-19)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Câu hỏi của bạn chúng tôi rất khó trả lời vì quá rộng. Bạn nên đưa mẹ đến BS chuyên về gan để được hướng dẫn thêm.

Con tôi lúc mới sinh đã được tiêm ngừa viêm gan B. Vậy BS cho hỏi, bé được miễn dịch suốt đời hay chỉ khoảng một thời gian?
Bình - binhthuynguyen (STT-18)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Cho đến nay, thuốc chích ngừa viêm gan B vẫn được đánh giá là rất hiệu quả trong phòng ngừa viêm gan B vì thuốc tạo miễn dịch tốt đối với trẻ em và người trẻ. Thuốc có tác dụng lâu dài một khi trẻ được xác định có kháng thể bảo vệ sau khi được chích đủ liều.

Bệnh viêm gan có nguy hiểm không? Và có phải nếu không đều trị dứt viêm gan thì sẽ chuyển qua viêm gan siêu vi B, C…?
Trung Nhân - nhattrung (STT-17)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm gan. Chẳng hạn, nguyên nhân nhiễm độc như viêm gan do rượu, viêm gan do thuốc, viêm gan do hóa chất khác, hoặc viêm gan do nhiễm trùng như viêm gan A, viêm gan B, viên gan C... Vì vậy không thể nói là nếu viêm gan không điều trị khỏi sẽ chuyển sang viêm gan B, viêm gan C.

Anh rể tôi vừa mất vì bệnh viêm gan siêu vi B, vậy bệnh này có lây qua chị gái và hai cháu tôi không? Ngoài chích ngừa, có cách nào để phòng bệnh viêm gan không, thưa BS?
Tiểu Yến - tieuyen (STT-16)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan B là bệnh rất hay lây, lây qua quan hệ tình dục có thể lên đến 30%, do đó chị gái bạn có thể bị lây bệnh nếu chị không được chích ngừa viêm gan B trước đó. Các con của chị cũng có thể bị lây bệnh từ người cha nếu các cháu thường thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch tiết của người cha, nhưng hiếm hơn cách lây từ mẹ sang con.
Chích ngừa được xem là biện pháp phòng ngừa viêm gan B hiệu quả nhất. Các biện pháp phòng ngừa khác được xem là ít hiệu quả hơn như: tình dục an toàn, sử dụng kim tiêm một lần…

Chồng tôi 35 tuổi, đã bị viêm gan siêu vi B mãn tính, do virut và đã phải uống thuốc theo toa bác sĩ trong nhiều năm qua để men gan không tăng. Xin bác sĩ chỉ giúp cho chế độ ăn thích hợp cho người bị viêm gan, và bệnh này có di truyền cho con không?. Xin cảm ơn.
nguyen thi Ai Phuong - [email protected] (STT-15)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan mà người bệnh không cần nằm viện (bệnh nhẹ), không có chống chỉ định về chế độ ăn. Riêng rượu bia thì không nên sử dụng.
Viêm gan B không di truyền nhưng có thể lây từ mẹ sang con (trước sinh, lúc chuyển dạ và sau sinh), đây là cách lây rất quan trọng, phổ biến ở Việt Nam.

Nhà tôi có người bệnh gan, xin hỏi bác sĩ bệnh này có lây qua đường ăn uống, hít thở không, nếu có thì phòng tránh thế nào?
Trần Tấn Hoài Nhơn - nhontran72 (STT-14)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Tôi không rõ người nhà của bạn bị viêm gan gì. Viêm gan A và E lây qua đường ăn uống; viêm gan B và C lây qua đường máu.
Để phòng tránh các bệnh viêm gan này, bạn cần:
- Với viêm gan lây qua đường ăn uống: vệ sinh thực phẩm cung cấp nước sạch, chích ngừa viêm gan A.
- Với viêm gan lây qua đường máu: tình dục an toàn, tiêm chích kim riêng... và chích ngừa viêm gan B (viêm gan C chưa có thuốc chích ngừa).

Anh tôi 51 tuổi, BS kết luận là xơ gan và nói tình trạng rất nặng, gia đình tôi rất hoang mang. Xin BS cho hỏi: bệnh xơ gan có phải là ung thư gan không? Bệnh xơ gan có điều trị khỏi, có lây và từ khi phát bệnh xơ gan thì sống được bao lâu? Và có phải mang bệnh xơ gan là mang án tử như nhiều người ở quê tôi nói.
Đỗ Bích Phương - bichhuong (STT-13)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Xơ gan là một tình trạng bệnh của gan thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Tùy theo mức độ xơ của gan mà người bệnh có thể bị nguy hiểm nhiều hay ít. Xơ gan không phải là ung thư gan, nhưng bệnh nhân bị xơ gan có thể kèm ung thư gan.
Tùy theo nguyên nhân xơ gan và mức độ xơ gan mà người bệnh có thể hồi phục nhiều hay ít hoặc không hồi phục. Chẳng hạn xơ gan do rượu, người bệnh có thể được chặn đứng xơ gan nếu ngưng uống rượu; xơ gan do viêm gan B thì người bệnh có thể hồi phục nếu được điều trị thuốc chống vi rút viêm gan B.

Tôi nghe nói bệnh viêm gan có thể lây truyền qua đường tiêu hóa? Xin bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa hiệu quả. Tôi có một người chú bị viêm gan siêu vi B. Chú tôi có thói quen hay uống rượu và hút thuốc. Dù bây giờ chú có giảm nhưng vẫn không đáng kể. Theo bác sĩ chú tôi có nên bỏ hẳn rượu và thuốc lá không? Và liệu quá trình hút thuốc uống rượu ấy sẽ tác động như thế nào đến căn bệnh của chú tôi?
Nguyên Nga - ngamybc (STT-12)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan lây truyền qua đường tiêu hóa là viêm gan A và E. Sử dụng thực phẩm và nước sạch là biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với hai loại viêm gan này. Riêng đối với viêm A đã có thuốc chủng ngừa.
Rượu bia rất có hại cho gan (làm xơ gan, cổ chướng). Theo tôi, chú bạn phải bỏ hẳn rượu.

Ba của tôi 62 tuổi, bị viêm gan C ba năm nay. Do tiểu cầu của ông thấp, trung bình từ 67 đến hơn 70 nên bác sĩ không chỉ định điều trị thuốc đặc trị, chỉ cho uống VG 5,Essentiale Fort. Điều đó có đúng không, thưa Bác sĩ? Vì sao tiểu cầu luôn bị thấp?
Nguyễn Minh Long - Nguyen_minh_long90 (STT-11)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bác sĩ không điều trị đặc hiệu cho ba bạn là đúng vì tiểu cầu của ba bạn không cho phép ba bạn được điều trị. Gan suy sẽ cung cấp kém yếu tố sản sinh ra tiểu cầu, thậm chí cả hồng cầu và bạch cầu cũng có thể bị ảnh hưởng.
Để bảo đảm chất lượng cuộc sống của ba bạn, bạn và gia đình nên tạo không gian vui vẻ, an lạc.

Con năm nay 30 tuổi bị nhiễm viêm gan siêu vi B (VGB)từ mẹ. Con xin hỏi: 1.Sáu tháng kiểm tra định kỳ gan thì nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra những gì? 2. Con không bị nhiễm viêm gan A và C vậy có nên chích ngừa không? 3.Viêm gan lây qua quan hệ và truyền từ mẹ vậy khi con kết hôn có nên khuyên chồng con chích ngừa VGB không? Con của con có bị nhiễm bệnh từ con không? 4. Con nghe thông tin báo đài là cây Diệp Hạ Châu (Cây *** đẻ) có thể ngăn ngừa sự phát triển của VGB vậy nên sử dụng như thế nào là hiệu quả.
Trần Tâm AN - tamanhcm (STT-10)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Khi kiểm tra định kỳ viêm gan B mãn tính ở người chưa điều trị, ngoài HBsAg người ta thường làm các xét nghiệm: men gan, siêu âm bụng, công thức máu.
Viêm gan C hiện nay chưa có thuốc chích ngừa. viêm gan A có thuốc chích ngừa nhưng Việt Nam nằm trong vùng lưu hành cao của viêm gan A cho nên hầu hết ở người trưởng thành có kháng thể chống viêm gan A.
Viêm gan B lây qua quan hệ tình dục và lây truyền mẹ con có tỷ lệ cao, do đó, người chồng hoặc người vợ của những người mang viêm gan B nên chích ngừa trước khi có quan hệ tình dục. Đối với lây truyền mẹ con thì khi người mẹ mang thai nên đến bác sĩ chuyên khoa gan để được hướng dẫn và tư vấn cách dự phòng lây truyền.
Trong y văn y học cổ truyền, diệp hạ châu là loại thuốc được đánh giá có ảnh hưởng lên vi rút viêm gan B.

Hiện nay, có nhiều nơi làm xét nghiệm phát hiện và định lượng HBV-DNA nhưng kết quả có khi lại khác nhau trên cùng 1 bệnh nhân. Vì sao lại như vậy? Có cách nào để nhận biết xét nghiệm nào là đúng nhất không, vì mỗi lần làm xét nghiệm khá tốn kém?
Thy Mai - [email protected] (STT-9)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Xét nghiệm định lượng vi rút viêm gan B là xét nghiệm kỹ thuật cao, do đó kết quả của xét nghiệm có liên quan đến nhiều yếu tố như: loại kỹ thuật, kỹ thuật viên thực hiện, máy móc - trang thiết bị.. Nếu bạn muốn có kết quả chính xác nên đến các trung tâm có điều kiện tốt.

Làm thế nào để phân biệt được viêm gan B và viêm gan C. Viêm gan B & C có lây truyền từ mẹ sang con không? Làm thế nào để ngăn chặn? Tuổi tác có ảnh hưởng gì đến việc chích ngừa viêm gan không, thưa BS?
Nguyễn Lệ Hằng - lechiven (STT-8)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bằng mắt thường, chúng ta rất khó phân biệt người bệnh bị viêm gan B hay C, nhưng bằng xét nghiện thì rất dễ. Chúng ta có thể làm xét nghiệm HBsAg để phát hiện viêm gan B và làm xét nghiệm antiHCV để phát hiện viêm gan C.
Viêm gan B có khả năng lây truyền từ mẹ sang con với tỉ lệ cao, có thể lên đến 90%. Viêm gan C lây truyền mẹ - con rất thấp.
Có nhiều cách phòng ngừa lây truyền viêm gan B giữa mẹ và con, trong đó chích ngừa cho trẻ ngay sau sinh là một trong những cách quan trọng nhất. Các biện pháp cần phải có ý kiến của BS chuyên môn.
Thuốc chích ngừa viêm gan B được đánh giá là rất có hiệu quả, nhưng từ 40 tuổi trở lên thì hiệu quả càng kém. Béo phì, hút thuốc lá, chạy thận nhân tạo, nhiễm HIV/AIDS… là những ỵếu tố làm cơ thể đáp ứng kém với thuốc.

Tôi đi thử máu có kết quả dương tính HBsAg, và được BS cho biết là nhiễm virus viêm gan B. Xin hỏi, bệnh của tôi có nguy hiểm không, có cần phải điều trị ngay không?
Huỳnh Văn Lợi - loivanhuynh (STT-7)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bạn đi thử máu có HBsAg (+), chứng tỏ trong cơ thể bạn có vi rút viêm gan B. Đây là bệnh nếu ở giai đọan cấp tính thì người bệnh có khả năng tự khỏi là 90 - 95%. Nhưng nếu ở giai đọan mãn tính, khả năng tự khỏi rất thấp (1 - 2%/năm), do đó bạn cần phải được theo dõi định kỳ; khi có chỉ định sẽ được điều trị đặc hiệu.

Anh trai tôi không sống tại VN, nhưng có về VN khám gan và bị siêu vi B mạn tính. Trước đây anh đã từng uống thuốc nhưng lại không giảm số lượng vi khuẩn. Cuối năm 2013 anh tôi có về VN và được bác sĩ cho uống mỗi ngày: BARACLUDE@(ENTECAVIR)(loại của Bristol-Myers Squibb) 1viên sau ăn tối 2g, BDD 1viên/3lần, LIVOLIN-H 1viên/3lần, trong thời gian 6 tháng. Vậy xin Bác sĩ cho hỏi: 1. Có nên tiếp tục gởi thuốc cho anh tôi uống nữa không (vì chưa có điều kiện đi kiểm tra lại). 2. Có thể giảm được số lượng vi khuẩn khi dùng Baraclude của Bristol-Myers Squibb hay không ( bác sĩ nói thuốc này rất công hiệu). 3. Nếu bị siêu vi B, không can thiệp bằng thuốc tây (vì sau khi ngưng thuốc lượng vi khuẩn tăng) thì có loại nào thay thế để không bị ảnh hưởng gan thêm nữa không. Xin cảm ơn.
Kim Sơn - oa_th04 (STT-6)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Phác đồ điều trị viêm gan B hiện nay người bệnh phải uống thuốc tối thiểu 1 đến 2 năm. Anh trai của bạn đang được điều trị viêm gan B bằng Entecavir 6 tháng, như vậy là chưa có chỉ định ngưng thuốc. Tuy nhiên, anh trai bạn cần phải được làm xét nghiệm để được đánh giá kết quả điều trị và phát hiện biến chứng nếu có (các xét nghiệm đó là: men gan, HBV-DNA, HBeAg, siêu âm bụng AFP, công thức máu).
Các thuốc chữa viêm gan B hiện nay như TDF, LAM, Entecavir... đều không có bằng chứng gây tổn thương gan.

Em tình cờ phát hiện HBsAg (+) cách đây 12 năm, HBeAg (-). Em làm xét nghiệm định kỳ nhiều lần và trong thời gian dài vẫn HBeAg(-). Bác sĩ kết luận em là người lành mang mầm bệnh. Đến năm 2010, em xét nghiệm và HBV DNA(+), làm xét nghiệm định lượng chỉ số cao vượt ngưỡng. Bác sĩ có chỉ định uống thuốc entecavir sau 3 tháng thì HBV DNA(-). Em uống thuốc từ năm 2010 đến 2012. Do bận công tác xa, không có điều kiện khám bệnh nên từ năm 2012 đến nay em không uống thuốc và không làm xét nghiệm. Em biết rằng điều trị bệnh viêm gan B rất khó. Vậy bác sĩ cho em lời khuyên: Em phải làm gì thì tốt nhất. (Hiện sức khỏe em vẫn bình thường, nhưng em thường uống bia)
Trần Sĩ Thy - transithy (STT-5)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bạn uống entecavir để điều trị viêm gan B trong 2 năm, sau đó tự ngưng. Rất may cho bạn là bạn không bị biến chứng gì sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, bạn nên đi xét nghiệm lại để xem tình trạng bệnh hiện nay như thế nào (men gan, HBeAg, siêu âm bụng...). đừng chủ quan vì viêm gan B diễn tiến khó lường.
Rượu bia là những chất rất có hại cho gan, đặc biệt trên người bệnh gan sẵn có. Bạn không nên tiếp tục uống rượu bia.

Chồng em xét nghiệm HBsAg dương tính, nhưng em lại âm tính (vợ chồng em cưới nhau được 5 năm rồi), như vậy em không bị lây nhiễm từ chồng hay giai đoạn đầu chưa phát hiện được? Bệnh của chồng em uống nước sắc cây cà gai leo và điệp hạ châu có thể khỏi mà không cần đến thuốc Tây, đúng không thưa bác sĩ?
Trần Hương Giang - giangtranht84 (STT-4)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Viêm gan B lây qua quan hệ tình dục đạt tối đa là 30%. Trường hợp của bạn có thể là bạn không bị lây viêm gan B từ chồng hoặc có lây nhưng đã khỏi (bạn nên xét nghiệm thêm antiHBs để biết chính xác hơn).
PGS.BS Cao Ngọc Nga đang tư vấn trực tuyến cho bạn đọc
Cà gai leo và diệp hạ châu là hai bài thuốc y học cổ truyền được đề cập trong điều trị viêm gan B. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có nhiều thông tin về hai bài thuốc này.

Hồi bé tôi bị vàng mắt, đi khám mắt thì BS giải thích là do yếu gan. Tôi cũng được điều trị gan sau đó bằng thuốc tễ. Hiện tôi đã 40 tuổi. Xin hỏi BS, tiền sử yếu gan của tôi có viêm gan B hay C không?
Lê Thị Hà - hale (STT-3)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

“Yếu gan” không phải là từ chuyên môn nên không biết bạn đã bị bệnh gì, có liên quan đến gan hay không, vì có nhiều nguyên nhân gây vàng da, vàng mắt mà người bệnh không bị bệnh gan.
Hiện bạn 40 tuổi, có thể đi xét nghiệm xem có viêm gan B, viêm gan C hay không là rất hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn có bệnh, cũng không thể kết luận bệnh lần này có liên quan đến tiền sử vàng mắt.

Da tôi hay bị mẩn đỏ, nhất là khi ăn hải sản. Bạn bè bảo do tôi bị nóng gan. Xin hỏi BS tôi có vấn đề gì về gan không? Xin BS giải thích giúp thế nào là nóng gan, yếu gan? Cho hỏi viêm gan có di truyền không? Gia đình tôi có người bị xơ gan cổ trướng. Xin hỏi bệnh này có gây ung thư gan không?
Trần Huỳnh - huynh258@ (STT-2)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

“Nóng gan” là từ dân gian hay nói khi da có dấu hiệu bệnh. Theo tôi nghĩ, da bạn bị mẩn đỏ khi ăn hải sản có liên quan đến dị ứng. Bạn nên đến BS chuyên khoa da liễu để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị.
Hỏi viêm gan có di truyền không, có lẽ do bạn muốn đề cập viêm gan B và viêm gan C? Viêm gan B, viêm gan C không di truyền nhưng viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con với tỉ lệ cao (trong y khoa chúng tôi gọi là lây chu sinh: lây trước sinh, trong lúc chuyển dạ và sau sinh).
Về xơ gan cổ trướng, đây là tình trạng nặng của một bệnh gan nào đó, không phải ung thư gan. Người bệnh có thể cùng lúc bị 2 chứng bệnh: xơ gan và ung thư gan.

Chào bác sĩ! Em 25 tuổi, đã nhiễm viêm gan siêu vi B từ năm 2005 đến nay. Bác sĩ không còn cho dùng thuốc nữa nhưng theo dõi ( từ 3 đến 6 tháng xét nghiệm chức năng gan 1 lần). Dù vậy, em cũng rất lo lắng không biết bệnh của em có biến chứng nguy hiểm không? Hiện tại em cần phải làm xét nghiệm gì để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của em ?
Nguyễn Thị Diễm - nguyendiem_pro (STT-1)​
PGS.BS Cao Ngọc Nga

Bác sĩ cho em theo dõi như vậy là đúng rồi. Tuy nhiên, để theo dõi phát hiện biến chứng, chẳng hạn như ung thư gan, xơ gan thì em cần theo dõi thêm siêu âm gan và thử làm xét nghiệm AFP định kỳ (cũng 3 đến 6 tháng/ lần). Trong thời gian hẹn của bác sĩ, nếu có triệu chứng gì lạ, em nên đi khám ngay.
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
THÔNG TIN CẦN BIẾT: (PEP - PrEP - ARV) Nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn (không bao cao su, rách, tuột bao cao su) hoặc nguy cơ khác sợ lây nhiễm HIV, bạn cần tư vấn dùng thuốc chống lây nhiễm HIV trong 72 giờ đầu sau phơi nhiễm (PEP), phòng ngừa trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hoặc khi bạn đã nhiễm HIV cần điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) tự túc, bảo mật thông tin cá nhân thì liên hệ phòng khám của Bác sĩ Bình: Phòng khám Viễn Đông (Đc: 361/4 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6, TP.HCM - ĐT: 0828980808 - 0911009900) hoặc Phòng khám Hùng Vương (Đc: 106Đ, Tổ 5, Ấp 4, Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An - ĐT: 0828980808 - 0911009900) để được Bác sĩ Bình trực tiếp tư vấn, khám bệnh và chỉ định điều trị phác đồ thuốc phù hợp. Bạn cần xét nghiệm nhanh HIV, gan, thận... trước khi dùng thuốc phơi nhiễm (PEP, PrEP, ARV) hoặc xét nghiệm theo dõi bệnh: TCD4, PCR tải lượng HIV, Công thức máu, Tổng phân tích nước tiểu, Đường huyết, Mỡ máu, Men gan, Chức năng thận, Ký sinh trùng, Tầm soát ung thư, Viêm gan B, C, Giang mai, Lậu, Chlamydia, Sùi mào gà và nhiều xét nghiệm khác... có thể liên hệ Lab Viễn Đông (Đc: 361/4 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6, TP.HCM - ĐT: 0828980808 - 0911009900) hoặc Lab Hùng Vương (Đc: 114/2 Hùng Vương, P.9, Q.5, TP.HCM - ĐT: 0919809577 - 02838539845).
Top